LAPTOP DUY HẢI

LAPTOP DUY HẢI

LAPTOP DUY HẢI

Giỏ hàng

Danh mục sản phẩm

Bỏ ra chưa đến 200 nghìn để mua "quạt hút gió tản nhiệt laptop" liệu có đáng?

Laptop bị nóng/quá nhiệt đang là vấn đề khá phổ biến, đặc biệt đối với những ai hay phải dựng video, làm đồ họa, chơi game trên laptop hoặc các bạn sinh viên, học sinh chưa có điều kiện tậu những laptop đời mới và phải ở phòng trọ nóng nực. Một số trường hợp quá nhiệt quá còn khiến laptop bị tắt đột ngột, có khi người dùng không cẩn thận còn dẫn đến… bỏng tay (khá nguy hiểm).

Để giải quyết vấn đề này, hiện trên thị trường đang có một món đồ được khá nhiều người quan tâm với cái tên “Quạt hút gió tản nhiệt laptop”, có mặt ở một số trang thương mại điện tử nổi tiếng, phổ biến nhất với các mẫu có giá từ 100.000 đến 200.000 đồng cùng lời quảng cáo: Tản nhiệt nhanh, không gây ồn, chạy cực êm.

 

Bỏ ra chưa đến 200 nghìn để mua quạt hút gió tản nhiệt laptop liệu có đáng? - Ảnh 1.
 

Làm từ nhựa, ọp ẹp dễ hỏng, dùng khó

Sau một hồi lựa chọn, chúng tôi đã tậu được một cái với giá chỉ 100.000 đồng từ một trang thương mại điện tử với tựa đề "Quạt hút gió - tản nhiệt Laptop - F1". Sau 2 ngày đặt hàng thì sản phẩm đã đến tay. 

Ấn tượng đầu tiên: Trong bao bì không hề có giấy hướng dẫn sử dụng, chỉ có một dây nguồn, 3 miếng cao su với 3 kích thước khác nhau, một miếng nhựa có công dụng như bệ đỡ để cố định thiết bị vào laptop, một “quạt hút gió” hình hộp chữ nhật, bên ngoài ghi nhãn hiệu “Coolcold” và một dòng chữ Trung Quốc màu xanh.

 

Bỏ ra chưa đến 200 nghìn để mua quạt hút gió tản nhiệt laptop liệu có đáng? - Ảnh 3.

Bên trong hộp sản phẩm không có hướng dẫn sử dụng, chỉ có 1 quạt, 3 miếng cao su, 1 dây nguồn, 1 miếng nhựa và 1 miếng dán

 

Có thể thấy ngay, chiếc quạt hút gió dù có vẻ ngoài vô cùng hầm hố, mạnh mẽ nhưng thực chất khi sờ vào lại có cảm giác khá ọp ẹp, làm hoàn toàn từ nhựa nên nếu rơi vỡ sẽ dễ bị hỏng.

Ngoài ra, dây nguồn USB của quạt cũng rất ngắn, bởi vậy khi sử dụng vô hình chung người dùng sẽ bị chiếm luôn một cổng USB trên laptop. Đây cũng là một điểm trừ mà những ai sở hữu laptop có ít cổng kết nối nên để ý.

 

Bỏ ra chưa đến 200 nghìn để mua quạt hút gió tản nhiệt laptop liệu có đáng? - Ảnh 4.

Phía hông của quạt có một khe cắm dây nguồn và một núm xoay, có công dụng tăng giảm độ mạnh/yếu

 

 

Bỏ ra chưa đến 200 nghìn để mua quạt hút gió tản nhiệt laptop liệu có đáng? - Ảnh 5.

Khe hút gió của quạt

 

 

Bỏ ra chưa đến 200 nghìn để mua quạt hút gió tản nhiệt laptop liệu có đáng? - Ảnh 6.

Dù có vẻ ngoài vô cùng hầm hố nhưng lại khá ọp ẹp, làm hoàn nhựa nên nếu rơi vỡ sẽ dễ bị hỏng

 

Cách sử dụng ban đầu tưởng chừng khá dễ, chỉ cần gắn miếng nhựa đỡ vào bên dưới quạt, cài tấm cao su phù hợp nhất với kích thước khe tản nhiệt, sau đó đính vào bên hông laptop, tùy vị trí quạt thổi gió ra là xong.

 

Bỏ ra chưa đến 200 nghìn để mua quạt hút gió tản nhiệt laptop liệu có đáng? - Ảnh 7.

Thành quả sau khi loay hoay một hồi

 

Tuy nhiên sau một hồi loay hoay, Webuy có cảm nhận rằng thiết bị này có phần khó dùng, bởi mỗi lần di chuyển hay nhấc máy lên lại phải… đẩy chiếc quạt sát với laptop, miếng cao su dễ bị hở khiến quạt hút gió không hiểu quả, khá bất tiện, rườm rà, vướng tay và lích kích khi sử dụng.

Kết quả: Chỉ giảm được 1 - 2 độ, hiệu quả tản nhiệt kém vô cùng

Bỏ qua khâu lắp đặt, sang đến khâu trải nghiệm. Ban đầu hí hửng là vậy, tưởng chừng sẽ giải quyết được vấn đề quá nhiệt trên laptop chỉ với 100.000 đồng, thế nhưng hiệu quả giảm nhiệt chẳng thấy đâu, mà chỉ thấy vướng víu, cộm tay và khó dùng.

Cụ thể, khi Webuy thử sử dụng quạt trên một laptop Dell đời cũ, chạy stress test trong vòng 5 phút, mức nhiệt chỉ giảm từ 1 - 2 độ, hiệu quả làm mát là rất kém. Có thể thấy ngay ở kết quả dưới đây, mức nhiệt chỉ giảm từ khoảng 90 - 92°C xuống 89 - 90°C. 

 

Bỏ ra chưa đến 200 nghìn để mua quạt hút gió tản nhiệt laptop liệu có đáng? - Ảnh 8.

Nhiệt độ max/min trước và sau khi cắm quạt

 

Còn khi trải nghiệm chơi game thực tế thì sao? Dù có gắn chặt quạt hút gió vào và chạy ở tốc độ cao nhất, nhiệt độ vẫn không hề “xi nhê”, chỉ giảm rất nhẹ, tối đa 2°C. Đấy là còn chưa nói đến tiếng ồn do quạt phát ra cũng sẽ khiến bạn (hoặc những người xung quanh) phải khó chịu.

Cụ thể, mức nhiệt độ của GPU/CPU khi chơi game nặng với công suất tối đa là: 92/80°C thì sau khi gắn quạt hút gió và hoạt động trong khoảng 5 phút, chỉ số này chỉ giảm rất nhẹ, xuống còn khoảng 91/78°C. Khi dùng máy vẫn rất nóng tay và không hề thấy được sự thay đổi nào đáng kể. 

 

Bỏ ra chưa đến 200 nghìn để mua quạt hút gió tản nhiệt laptop liệu có đáng? - Ảnh 9.

Trải nghiệm chơi game thực tế trên laptop, mức nhiệt độ trước...

 

 

Bỏ ra chưa đến 200 nghìn để mua quạt hút gió tản nhiệt laptop liệu có đáng? - Ảnh 10.

...và sau khi sử dụng quạt

 

Sau khi thất vọng tập 1, chúng tôi đã thử thay 2 miếng cao su còn lại với các kích cỡ khác nhau để gắn quạt vào laptop, kết quả vẫn không hề thay đổi, thậm chí đôi lúc nhiệt độ còn tăng cao hơn so với khi không dùng. Như vậy, lời quảng cáo “tản nhiệt nhanh, không gây ồn” là hoàn toàn không đúng. Coi như “đi tong” 100.000 đồng!

 

 

Bỏ ra chưa đến 200 nghìn để mua quạt hút gió tản nhiệt laptop liệu có đáng? - Ảnh 11.

Dây nhợ rất lằng nhằng

 

Hơn nữa, khi sử dụng với những laptop nóng sẵn, cần phải kê phần phía sau của máy lên cao để hút gió tốt hơn (như dòng Alienware, ASUS) hoặc các mẫu máy có thiết kế tản nhiệt mạnh, chiếc quạt “Coolcold” này cũng rất khó để phát huy tác dụng, bởi vừa khó để lắp đặt, vừa không thể gắn khít và hoạt động hiệu quả. Thậm chí phần keo dính được nhà sản xuất bôi sẵn trên miếng nhựa đỡ quạt còn bám dinh lên laptop, rất khó lau chùi.

 

Bỏ ra chưa đến 200 nghìn để mua quạt hút gió tản nhiệt laptop liệu có đáng? - Ảnh 12.

Chiếc quạt có hiệu quả tản nhiệt vô cùng kém

 

Tóm lại, vẻ ngoài hầm hố đậm chất game thủ của chiếc “quạt hút gió - tản nhiệt laptop F1” với nguyên lý hút gió nóng từ laptop ra ngoài cũng không thể cứu vãn được sự vô nghĩa của thiết bị này. Khả năng giảm nhiệt là vô cùng kém, không những vậy còn đem lại sự phiền toái, lịch kích khi sử dụng. 

Kết luận:

Ưu điểm: Vẻ ngoài hầm hố, đậm chất game thủ, giá rẻ bèo.

Khuyết điểm: Hiệu quả giảm nhiệt quá kém, lích kích, khó dùng.

Quyết định của WeBuy: Không nên mua.

Quạt hút gió tản nhiệt F1 dù có giá khá hấp dẫn, chỉ 100.000 đồng, nhưng đúng là “tiền nào của nấy”, thiết bị này có khả năng giảm nhiệt vô cùng kém cỏi, đôi khi còn không có tác dụng. Mát được hơn 1 - 2°C để đánh đổi lấy sự vướng víu, phiền toái khi sử dụng laptop là không hề xứng đáng. Vì vậy người dùng không nên mua sản phẩm này nếu không muốn bỏ phí số tiền có thể ăn được 2 bát phở ngon!

Nếu bạn thật sự muốn laptop của mình bớt nóng, hãy đi vệ sinh lại máy, thoa keo tản nhiệt loại tốt, sử dụng trong môi trường mát mẻ hoặc nếu không còn lựa chọn nào khác, hãy tậu một chiếc PC!

Chia sẻ:
Hotline: 028 73013486
Chỉ đường Zalo Zalo: 0908100440 SMS: 028 73013486
Facebook chat